Trong Suốt

Người giác ngộ còn buồn không

Trong Suốt Episode 128

NGƯỜI GIÁC NGỘ CÒN BUỒN KHÔNG?
Hỏi:
Người giác ngộ có phải luôn luôn cảm thấy hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh hay không?
Thầy Trong Suốt:
Không phải. Người giác ngộ là tự do 100% với hạnh phúc hay không hạnh phúc. Cái thân thể này có cười, có khóc, có rú rít thì giác ngộ vẫn tự do hoàn toàn. Đấy mới là giác ngộ thật sự. Còn loại giác ngộ mà lúc nào cũng hạnh phúc, đấy chỉ như là một cõi Trời nào đấy thôi. Đấy là trạng thái của một vị trời, nghĩa là trạng thái của một chúng sinh trong luân hồi, lúc nào cũng phải có hạnh phúc. Người giác ngộ không cần phải như vậy, không cần phải lúc nào cũng hạnh phúc. Có thể lúc khóc, lúc cười, lúc tức giận, lúc quát mắng... Nhưng người giác ngộ hoàn toàn tự do 100% với cái ấy.
Trong nhà Phật có một khái niệm gọi là Đại lạc và tiểu lạc. Đại Lạc là cái trạng thái mà hạnh phúc không lay chuyển được. Tiểu lạc là hạnh phúc có lay chuyển được. Thì cái bạn hỏi là hỏi về tiểu lạc. Người giác ngộ có phải luôn hạnh phúc không? Có phải người giác ngộ lúc nào cũng có tiểu lạc không? Đúng không? Bạn hỏi tiểu lạc, còn người giác ngộ không quan tâm đến tiểu lạc. Có hạnh phúc thì hạnh phúc, có đau khổ thì đau khổ, nhưng, dù hạnh phúc hay đau khổ thì luôn biết rõ rằng đấy không có thật, nên lúc nào cũng có Đại Lạc, lúc nào cũng có niềm hạnh phúc không thể nào lay chuyển nổi do thấy rõ sự thật .
Cái ấy là cái bạn không thể nào biết được, nên thầy trả lời có, bạn ấy tưởng rằng người giác ngộ có rất nhiều tiểu lạc. Nếu thầy trả lời “Có, giác ngộ sướng lắm!”, thì con hình dung khác gì một vị trời? Vị trời có nhiều tiểu lạc mà. Vì thân thể họ bằng ánh sáng, không bị đau, họ có thần thông nên hoàn cảnh thường theo ý họ nên vị ấy không bị khổ. Nhưng đó là hình dung hoàn toàn sai về cái lạc của người giác ngộ.
Cái lạc của người giác ngộ là Đại lạc, đại lạc này bao trùm cả tiểu lạc luôn. Nghĩa là gì? Trong Đại lạc có cả tiểu lạc lẫn tiểu khổ luôn. Đau đớn dữ dội vẫn Đại lạc. Cười ha hả cũng đại lạc mà khóc hu hu cũng Đại lạc. Giống Marpa, khi con ông chết, ông khóc, khóc ầm ầm luôn. Tất cả học trò bảo “Quái, thầy dạy chúng ta đời là ảo ảnh, rồi không được này kia, sao cuối cùng thầy, bậc giác ngộ xịn của Tây Tạng, mà lại khóc ầm ầm thế này?”. Thế là bà vợ thầy, lúc đầu cũng định không khóc đâu, cuối cùng chạy ra khóc rũ rượi, “Ối con ơi, con ơi”. Thế là Marpa đứng dậy, cười ha hả, đọc bài thơ xong rồi đi. Bài thơ “Đời là giấc mộng” đấy.
Vấn đề là giác ngộ tự do với các loại cảm xúc dù có khổ hay sướng, vì thế người ta mới không ngăn ngại gì cả. Đấy là cái mà người bình thường không thể hiểu nổi. Người bình thường đặt câu hỏi là, “Nhân vật trong phim là bậc giác ngộ, nếu bố mẹ ông chết thì ông ấy buồn hay vui?”. Thì cái màn hình trả lời thế nào? “Quan tâm làm gì? Người đó thích khóc thì khóc, thích cười thì cười, tôi không phải nhân vật đấy”. Đúng chưa? Và dù trong phim có nổ ra chiến tranh, có đủ các loại đau khổ đi nữa, thì cái màn hình có khổ không? Cái màn hình hoàn toàn có khả năng cảm nhận nỗi khổ nhưng nó không bị khổ. Người giác ngộ hoàn toàn có khả năng cảm nhận tất cả những nỗi khổ xảy ra trên thân thể và tinh thần này nhưng không bị cái này ảnh hưởng tí nào luôn, hoàn toàn tự do khỏi nó.
Cái mặt gương hoàn toàn có thể cảm nhận mọi phản chiếu trong đấy, nhưng có một vụ nổ đùng đùng trên bầu trời, mặt gương có bị sao không? Không bị sao hết. Đấy là trạng thái không giải thích được nhưng nếu thầy đưa ra ẩn dụ, các con có thể hiểu được.
Nên câu trả lời cho câu hỏi trên của con là “Tôi không quan tâm, khổ thì khổ, lạc thì lạc, tôi hoàn toàn tự do khỏi lạc và khổ. Vì tất cả luôn ở trong Đại Lạc.”
,
Trong Suốt
(Trích buổi nói chuyện "Người giác ngộ còn buồn không", 4/2018 Bình Dương)